Trải qua kinh nghiệm trong ngành in một thời gian dài, Namvietpack chia qui trình in ấn qua 5 bước như sau:
Bước 1: Thiết kế
Thiết kế là khâu rất quan trọng trong qui trình in ấn, sản phẩm có đẹp, màu sắc sinh động, hài hòa hay không phụ thuộc nhiều ở khâu quan trọng này . Chẳng hạn bạn muốn in một Poster quảng cáo thì bạn cần đưa vào thông tin về sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu, nhà cung cấp và đặc biệt là điểm nhấn của Poster,..Tất cả các thông tin phải được thiết kế hài hòa cả về nội dung và hình thức, màu sắc theo nhu cầu thực tế của sản phẩm cũng như của khách hàng sao cho đạt độ thẩm mỹ cao nhất. Có như vậy thì sản phẩm in khi hoàn thiện mới đạt tiêu chuẩn.
Bước 2: Output Film
Chế bản xong thì xuất để outfilm, đối với các tờ rơi, poster có hình ảnh, Film sẽ được out thành bốn tấm đại diện cho bốn lớp màu C (Cyan), M (Magenta), Y (Yellow), K (Black). Như bài trước đã đề cập đến màu trong in offset là hệ màu CMYK, ta có thể hiểu khái quát rằng tất cả các màu sắc khác đều có thể pha được từ 4 màu CMYK này, ví dụ màu đỏ cờ là sự kết hợp từ màu Y (Yellow/vàng) và màu M (Magenta/hồng); Hay màu Xanh Blue (xanh tím) là sự kết hợp của hai màu C (Cyan/xanh nhạt) và M (Magenta/hồng); Rồi còn các màu được kết hợp từ 3 trong 4 màu nói trên hay kết hợp của cả 4 màu với nhiều thông số khác nhau sẽ đạt được nhiều kết quả màu sắc khác nhau. Output 4 tấm phim xong thì chuyển sang phơi bản kẽm.
Bước 3: Phơi bản kẽm
Khi đã có 4 tấm phim, người ta đem phơi từng tấm một lên bản kẽm (hiểu một cách đơn giản hơn là đem chụp hình ảnh của từng tấm phim lên từng tấm bản kẽm bằng máy phơi kẽm), đến đây ta đã có trong tay 4 bản kẽm đại diện cho 4 màu C, M, Y, K để bước sang phần in trên máy.
Bước 4: Tiến hành in offset
Người ta sẽ tiến hành in từng màu, in màu gì trước, màu gì sau tùy vào kinh nghiệm của người thợ in. Đầu tiên, người ta sẽ lựa chọn một trong 4 kẽm màu đó để lắp lên lô máy in offset, ở phần vào mực của máy người ta cũng sẽ cho loại mực tương ứng (ví dụ bản kẽm màu C (Cyan) thì người ta cũng cho mực C và tiến hành in, Quả lô quay qua tờ giấy sẽ đập phần tử in xuống tờ giấy in, sau khi chạy xong hết số lượng định in, người ta tháo kẽm ra, vệ sinh hết mực cũ, lắp kẽm mới vào, ví dụ màu vừa in xong là màu C (cyan) thì giờ sẽ lắp kẽm Y (Yellow) vào, phần vào mực sẽ cho mực Y (vàng), cho giấy đã in một màu kia vào và lại tiếp tục quy trình cũ….
Cứ thế tuần tự cho đến khi hết cả bốn màu, bốn màu đó chồng lên nhau sẽ cho ra bản in cuối cùng.Trong quá trình in như vậy, với mỗi màu, người ta sẽ phải chạy thử khoảng 50 bản cho màu thật ổn định. Tổng cộng cả quá trình vào khoảng 200 bản chạy thử. Chính vì vậy, khi in offset, người ta phải tính giấy bù hao ra khoảng 200 tờ in ngoài số tờ in chính thức cho số lượng sản phẩm yêu cầu.
Bước 5: Thành phẩm sau khi in offset
– Sau khi in, tờ in phải qua một số khâu để trở thành sản phẩm hoàn chỉnh trong in ấn ngườiời ta gọi là là thành phẩm sau in:
Cắt thành phẩm: Với mục đích đưa sản phẩm về đúng kích thước sản phẩm hoặc tách rời nhiều sản phẩm trên một tờ in. Hầu hết các sản phẩm in đều phải trải qua công đoạn này, thiết bị sử dụng là máy cắt 1 mặt. Sản phẩm khi thiết kế cần tính đến khoảng trống thích hợp , thông thường là 3-5mm để cho dao cắt.
Cán màng: Có 2 kiểu cán màng: cán màng mờ và cán màng bóng: Cán mờ sẽ tạo ra bề mặt mịn và mềm còn Cán bóng sẽ cho bề mặt sáng bóng hẳn lên. . Cán màng giữ cho bề mặt sản phẩm khỏi bị trầy xước và đẹp hơn.
Cán gân: Một số sản phẩm có yêu cầu đặc biệt hơn cán màng đó lá sản phẩm phải cán gân.Tờ in đi qua máy cán gân làm biến dạng & tạo ra các hoa văn. Có thể kết hợp cán màng –> cán gân để tạo được hiệu ứng đặc biệt cho sản phẩm. Thường thấy sử dụng khi in bìa tập học trò, bìa sách hoặc thiệp mừng, thiệp cưới.
Ép nhũ hay còn gọi là ép kim: Sản phẩm sẽ được ép một lớp nhũ lên bề mặt nhìn rất bắt mắt và sang trọng.
Tráng phủ: Phủ lên bề mặt tờ in một lớp vẹcni nhằm tạo độ bóng & bảo vệ bề mặt tờ in tránh bị trầy xước. Có các loại tráng phủ sau:
– Phủ lắc: sử dụng mực lắc trong, thực hiện trên máy offset thông thường
– Phủ UV: dùng vecni UV, thực hiện trên máy tráng phủ UV, máy in offset có đơn vị tráng phủ UV hoặc có thể kéo lụa. Sử dụng vecni có thể tạo được nhiều hiệu ứng rất tuyệt vời như: bóng, nổi, bề mặt cát, … Phủ UV có 2 kiểu: UV toàn phần (tráng phủ toàn bộ bề mặt tờ in) & UV từng phần (chỉ tráng phủ lên những chi tiết cần thiết).
Cấn bế: Các sản phẩm có hình dạng phức tạp như hộp giấy, túi giấy, bao thư, … thì không thể cắt rời bằng máy cắt mà phải dùng phương pháp cấn bế, ngoài ra nó còn giúp tạo ra các nếp gấp trên sản phẩm.
Gấp – dán: Gấp là một công đoạn khi in sách báo, tờ gấp, catalogue. Các loại giấy dày cần phải cấn tạo vạch gấp trước khi gấp thủ công bằng tay. Sách, tạp chí do số lượng lớn nên thường sử dụng máy gấp.
Một số sản phẩm như hôp giấy, bao thư,… còn có cửa sổ để dán một lớp kiếng nhựa trong suốt. Việc dán cửa sổ này cũng tùy sản phẩm có thể dán tay hoặc dán bằng máy.
Đóng kim – Đóng lò xo, dán keo gáy: Sách, báo hay những cuốn sổ,… là những sản phẩm phải trải qua công đoạn này để hoàn tất thành sản phẩm hoàn chỉnh.